Ý nghĩa lịch sử ngày 24/7 – Ngày Hoằng Hoá khởi nghĩa giành chính quyền

Đăng lúc: 16:50:05 21/07/2023 (GMT+7)

Ý nghĩa lịch sử ngày 24/7 – Ngày Hoằng Hoá khởi nghĩa giành chính quyền
Cách đây 78 năm, vào ngày 24-7 tại Cồn Ba Cây này, quần chúng nhân dân, tự vệ ở Hoằng Thắng đã kiên cường đứng lên mít tinh, biểu tình giành chính quyền về tay cách mạng đầu tiên ở xứ Thanh. Thời khắc lịch sử ấy đã được quần chúng nhân dân địa phương gọi là “ngày 24-7 kiên cường”.
Những ngày tháng 7-1945, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa phát triển mạnh mẽ khắp các vùng quê. Trong không khí sục sôi ngọn lửa đấu tranh - xã Hoằng Thắng đã trở thành trung tâm của phong trào cách mạnh của huyện nhà. Thấy rõ bộ máy chính quyền của Hoằng Hóa có nguy cơ bị sụp đổ, phát xít Nhật và bè lũ tay sai liền tập trung lực lượng đàn áp phong trào cách mạnh hòng dập tắt mũi nhọn của cuộc khởi nghĩa. Vào ngày 13-7-1945, phát xít Nhật cùng tỉnh trưởng bù nhìn phái một đơn vị bảo an gồm 34 tên được trang bị vũ khí do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ Hoằng Hóa để cùng với tri phủ khủng bố 2 khu vực Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu Hóa Lộc (Hoằng Châu). Những nơi này, được chúng cho là “chiếc nôi cách mạng”. Qua nắm bắt tình hình, Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa biết rõ kế hoạch của địch sẽ chia làm 2 tốp. Một tốp gồm 22 tên do Quản Hiến chỉ huy đánh Liên Châu Hóa Lộc. Một tốp khác chỉ có 12 tên do tri phủ Phạm Trung Bảo cầm đầu đích thân về Đằng Trung.
Sáng ngày 24-7, đồng chí Nguyễn Đức Minh, đang mở một lớp học Việt Minh tại Hoàng Trì, thì nhận được chỉ thị cấp tốc bố trí ngay lực lượng tự vệ để tham gia phục kích quân địch đang tiến về Đằng Trung. Nắm chắc đường đi và số quân của địch, liền ngay hôm ấy, lớp học tạm hoãn, đoàn quân tự vệ trở về tập trung tại Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng phối hợp quân tự vệ Đằng Trung chiến đấu với quân địch. Cùng thời điểm ấy, các đồng chí Nguyễn Đức Minh và Lê Khắc Duy phụ trách 1 tổ gồm 13 người khỏe mạnh, dũng cảm, mưu kế đóng giả nông dân đang làm đồng áng đảm nhiệm việc xông lên bắt sống tên tri phủ Phạm Trung Bảo, cùng quân lính. Trong số lực lượng tự vệ, xã Hoằng Thắng có 8 người. Khi toán quân 12 tên và tri phủ Phạm Trung Bảo lọt vào trận địa mai phục, 13 tự vệ mang đòn xóc, đòn càn như vừa làm đồng về đi ngược chiều với quân địch, với ý kế là người đi đầu của ta bắt tên đi cuối của địch, còn người đi cuối của ta bắt tên đi đầu của địch. Tên tri phủ Phạm Trung Bảo khả nghi sửng sốt quát tháo, một hồi còi lệnh nổi lên, lập tức quân ta đồng loạt quật ngã bắt sống 12 tên địch và tri phủ Phạm Trung Bảo ngay tại Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo. Lực lượng tự vệ và nhân dân ta đã áp giải quân địch và tri phủ Phạm Trung Bảo về tạm giữ tại đình Đằng Trung chờ xét xử. Buổi trưa hôm đó, Chi bộ Đảng và ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức một cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại Cồn Ba Cây. Lực lượng tự vệ, quần chúng nhân dân khắp nơi, với cờ, khẩu hiệu, giáo gươm uy nghi kéo về như ngày hội. Cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây hôm đó có hơn 5.000 người tham gia. Đúng 13 giờ, trước rừng người với khí thế cách mạng sục sôi, đồng chí Đinh Trương Lân, Tỉnh ủy viên thay mặt Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa đọc bản cáo trạng về tội ác khủng bố cách mạng của tri phủ Phạm Trung Bảo, lên án kẻ thù xâm lược và chính quyền tay sai.

 Đồng thời, nêu rõ chính sách khoan hồng của cách mạng và biểu dương quân dân trong huyện đã đập tan được cuộc đàn áp của kẻ thù. Viên tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính đã cúi đầu nhận tội và được nhân dân tha tội chết. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, quần chúng cách mạng và lực lượng vũ trang nòng cốt được tổ chức thành đoàn biểu tình lớn tiến về phủ lỵ. Trước khí thế cách mạng dâng trào của quần chúng nhân dân, lính tuần sai, nha lại trong phủ không dám chống cự, toàn bộ tài sản công, con dấu, hồ sơ, sổ sách, máy đánh chữ, vũ khí đều được giao lại cho cách mạng. Ban Việt Minh huyện tạm thời quản lý, điều hành dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng huyện Hoằng Hóa. Sự kiện mít tinh giành chính quyền đó đã được quần chúng nhân dân gọi là “ngày 24-7 kiên cường”, địa danh Cồn Ba Cây đã trở thành mốc son lịch sử và địa chỉ đỏ cách mạng của huyện Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh ta nói chung.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hoá ngày 24/7/1945 đã trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên, sớm nhất trong cả nước giành thắng lợi, ít đổ máu và hạn chế thiệt hại nhất; Đây là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao, góp phần cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Người sưu tầm và biên soạn
CC VHXH: Đỗ Thị Vân